THAY LỜI TỰA

THAY LỜI TỰA

Hôm nay là buổi học đầu tiên về pháp hành, đường lối tu tập của đạo Phật, xin quý Thầy và quý Phật tử nên chắp tay lên niệm hồng danh đức Phật:

“Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni” (3 lần).

Đây là những bài học đạo đức nhân bản – nhân quả làm người, nó được mọi người có đủ duyên rèn luyện tu tập từ khi có đạo Phật xuất hiện trên hành tinh này. Đấng Giáo Chủ đạo Phật được người đời sau tôn xưng là Đức Thích Ca Mâu Ni. Người đã tự tu, tự chứng và đã giác ngộ đạo lý nhiệm mầu, chứng thật sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Đó là một sự giải thoát ra khỏi kiếp sống của con người đầy dẫy đau khổ và luôn luôn nối tiếp mãi trong kiếp luân hồi sanh tử không bao giờ dứt.

Đạo Phật đã có mặt trên trái đất này từ 2541 năm cho đến nay, nhưng nếu chúng ta chịu khó nghiên cứu kỹ về kinh sách và lịch sử của đạo Phật theo kinh tạng Nguyên Thủy thì chúng ta sẽ thấy:

Khi đức Phật còn tại thế, thì chúng Tỳ kheo tu tập đúng chánh pháp. Còn khi ông A Nan mất và về sau này chúng Tỳ kheo đều tu sai pháp của đạo Phật (Ông A Nan là người đệ tử sau cùng của đức Phật nhập diệt). Vì thế, không còn người tu chứng lái con thuyền Phật giáo vững vàng, nên các Tổ Bà La Môn tự tung, tự tác kết tập và biên soạn kinh sách theo kiến giải, tưởng giải của mình, không có một chút kinh nghiệm tu chứng, nên kinh sách phát triển biên soạn theo kiểu thế tục hóa mê tín dân gian. Cho nên, khi các Tổ tu chưa chứng mà đi truyền đạo đến các nước khác thì bị các tôn giáo khác đồng hóa. Vì thế, kinh sách phát triển Đại Thừa là một loại kinh sách tưởng mà không có gốc.

Tuy vậy, một trăm năm đầu ấy, ngay từ khi đức Phật còn tại thế, chúng Tỳ kheo còn có nhiều người sống không đúng Phạm hạnh, không ly dục ly ác pháp, nên đức Phật buộc lòng phải chế giới bổn Patimokha để ngăn cấm, nhưng từ khi có giới bổn ra đời chúng Tỳ kheo lại càng vi phạm nhiều hơn (Đoạn kinh này do lý giải của các Tổ trong các kinh Đại Thừa). Riêng chúng tôi nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy thì không phải vậy. Vì bộ kinh giới Sa Môn Quả, đức Phật đã dạy đầy đủ giới luật, không có thiếu một giới nào cả: “giới cấm, giới đức, giới hạnh và giới hành” trong kinh Trường Bộ tập 1 thuộc tạng kinh Nikaya – Pali. Chỉ có giới cấm sau này các Tổ biên soạn ra và gán cho Phật chế ra. Trong bộ giới cấm của các Tổ, chúng ta thấy có nhiều chỗ sai lầm rất lớn như: đức Phật là một người tu chứng đầy đủ trí tuệ, thế mà chế giới ra, giới luật lại được sửa đi, sửa lại năm lần bảy lượt. Các bạn thấy như vậy có đúng không? Còn trong kinh Sa Môn Quả, đức Phật chỉ thuyết giảng Thánh Hạnh quả của người tu sĩ Phật giáo cho vua A Xà Thế nghe có một lần, chứ không bao giờ sửa đi sửa lại. Do điều này, mà chúng ta biết bộ giới cấm là do các Tổ biên soạn viết ra.

Đến khi đức Phật thị tịch, các vị đại đệ tử của Người, không đủ uy đức điều khiển với một số chư Tăng quá đông đảo (1250) vị Tỳ kheo. Vì thế, sau khi trà tỳ đức Phật xong, các vị đại đệ tử của đức Phật, nhất là ông Ca Diếp đã trực tiếp nghe một số chúng Tỳ kheo vui mừng khi hay tin đức Phật nhập diệt.

Sau khi đám tang xong, ông vội vàng mở cuộc họp, thiết lập cuộc kết tập kinh luật lần đầu tiên, để lấy đó làm giềng mối cho đạo Phật ở ngày mai.

Từ khi đức Phật nhập diệt, kinh luật đã được thiết lập theo các Tổ,nhưng mầm mống chia rẽ và phá giới, phạm giới đã có từ lúc đức Phật còn tại thế. Cho nên, ít ai còn giữ gìn và sống đúng giới hạnh. Đến khi ông A Nan tịch thì không còn ai có đủ quyền lãnh đạo, nên lần lượt chư Tăng chia thành nhiều bộ phái (20 bộ phái) và mỗi bộ phái tự kiến giải kinh luật riêng của bộ phái mình. Do đó, kinh sách phát triển của đạo Phật, càng ngày càng tăng lên rất nhiều.

Chính những kinh sách này, dẫn đến lìa xa đạo Phật (mất gốc). Người tu sĩ đạo Phật, sống không còn đúng Phạm hạnh, tâm không ly dục ly ác pháp được, nên Thiền định tu hành chẳng có kết quả, nhập định chẳng được, phần đông rơi vào tà định. Vì thế, thời nay ít ai tu đúng “Chánh Niệm” và nhập đúng “Chánh Định”. Tứ Niệm Xứ và Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định chỉ còn là lý thuyết suông.

Những học giả, những giảng sư và những hành giả tu chưa đến nơi, đến chốn, đem tưởng giải và kiến giải ra giảng những kinh Tứ Diệu Đế, Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định, Thập Thiện, Đạo Đức Nhân Quả của đạo Phật v.v… Họ không thể triển khai nổi, chỉ thuyết giảng loanh quanh, lập lại những kiến giải, tưởng giải của những người xưa, rồi thêm vào những kiến giải vay mượn của các tôn giáo khác, của cả khoa học hiện đại ngày nay.

Đọc lại những quyển kinh luận của các nhà học giả, sư, thầy viết ra, lý chánh pháp mù mờ không rõ, đời – đạo viên dung lố bịch, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, mượn râu ông nọ cắm cằm bà kia, giống như chiếc áo chắp vá chỗ này, chắp vá chỗ khác, hành pháp thì không thông, nên tưởng tượng ra các hành, dựa theo khoa học, võ học, dưỡng sinh, khí công, các pháp hành của Yoga v.v…, tu tập ức chế thân tâm một cách quá đáng, tạo ra biết bao nhiêu bịnh tật cho những hành giả ngu si tự đem mình vào chỗ chết, chỗ khổ mà không biết.

Kinh sách phát triển của đạo Phật quá nhiều, nhưng chẳng biết tìm đâu ra một cuốn kinh nào để tu đến nơi đến chốn, đọc vào chỉ toàn là luận lý thuyết suông, thực hành thì vay mượn những pháp môn của ngoại đạo. Chính những người đã viết ra những bộ kinh sách đang bày bán, họ cũng chẳng tu đến đâu, vì họ đang sống chạy theo dục lạc thế gian như những người khác, vì thế biết rõ họ chưa giải thoát.

Sau mười năm trong thất, sống giữ gìn giới luật đúng Phạm hạnh và tu tập Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định, chúng tôi đã thấy được kết quả của những pháp môn này, làm chủ sự sống chết và chấm dứt tái sanh luân hồi.

Ra thất, chúng tôi thành lập tu viện Chơn Như, quyết tâm chấn hưng lại Phật Pháp. Mười bảy năm trôi qua, biết bao nhiêu người theo tu với chúng tôi, chỉ có ăn, ngủ, độc cư mà không ai tu nổi, thì làm sao tu định vô lậu, ly dục ly ác pháp, không ly được dục ly ác pháp thì làm sao nhập Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định được.

Hiện Tại An Lạc Trú Tứ Thánh Định không nhập được thì không bao giờ làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Tu viện của chúng tôi, chỉ còn lại một vài nguời sống đúng Phạm hạnh, ly dục ly ác pháp, hiện giờ họ đang thực hiện khá sâu vào Tứ Niệm Xứ để thực hiện Thiền định (Tứ Thánh Định), họ sẽ là những người thắp sáng lại đạo Phật sau này, nếu chúng sanh có đủ duyên, còn nếu không đủ duyên tức là thiếu phước thì những tu sĩ này sẽ không đủ nghị lực và bền chí chiến đấu lại những nghiệp lực cuối cùng của đời họ, thì Phật giáo chấn chỉnh rất mờ mịt và khó khăn vô cùng (BBT: thì việc chấn chỉnh Phật Giáo rất mờ mịt …). Vì giới luật là cửa ngõ để bước vào được nhà Thiền định mà giới luật thì quá khắc nghiệt. Cho nên, sống đúng giới luật thì quá khó khăn vô cùng.

Con đường tu hành theo đạo Phật rất thực tế và cụ thể cho tất cả mọi người, đều có thể giải thoát khỏi cảnh khổ của thế gian bằng một cuộc sống “Đạo” ly dục ly ác pháp.

Sống có ly dục ly ác pháp thì sự tu hành theo đạo Phật mới có kết quả, bằng ngược lại tu hành vô ích, không lợi mình lợi người còn mang nợ đàn na thí chủ.

Vì sống đạo thì phải ly dục ly ác pháp, nên ít có người theo sống được, hầu hết đều bỏ cuộc tu hành hoặc tu có hình thức hoặc biến thái đạo Phật qua một hình thức khác (Bồ tát hạnh) để dễ bề hành dục lạc.

Suy đi nghĩ lại, chúng tôi đắn đo nhiều lần. Có nên triển khai giáo án đường lối tu tập của đạo Phật cho hậu thế ngày mai không? Nếu đường lối tu hành của đạo Phật không được phổ biến ở đời này, nhất là “đạo đức nhân bản – nhân quả giải thoát không làm khổ mình, khổ người” thì loài người sẽ đi về đâu? Và sẽ khổ đau biết dường nào?

Sự mê mờ vô minh của con người từ ngàn xưa đến nay đã lầm chấp và cho các pháp thế gian là thật có sẽ đem lại hạnh phúc cho họ, khi họ được đầy đủ. Vì sự lầm chấp này, họ ôm giữ khư khư không chịu buông bỏ ra. Do thế, ác pháp càng tăng trưởng, thiện pháp càng suy giảm, con người khổ đau lại càng khổ đau hơn.

Lòng thương xót loài người, họ đã theo đạo Phật từ xa xưa, hiện giờ và mai sau, bao thế hệ này nối tiếp bao thế hệ kia, giải thoát đâu không thấy chỉ thấy toàn ưu bi,sầu khổ, bịnh, chết, lại càng khổ đau hơn. Tu mãi chỉ có an ủi tinh thần một cách trừu tượng, mơ hồ chẳng có thực tế chút nào cả, chẳng có lối thoát ra, loanh quanh lẩn quẩn trong mê hồn trận của ngoại đạo.

Những gương Thầy Tổ của chúng ta trước khi chết họ phải chịu khổ đau quá ư cay đắng, khiến cho chúng ta bâng khuâng và lo nghĩ rất nhiều về số phận của mình và các đệ tử sau này.

Đạo Phật nói riêng và các tôn giáo khác nói chung, có giải quyết được sự khổ đau của con người hay chăng? Nhất là bốn nỗi khổ của kiếp làm người: sanh, già, bệnh, chết. Không lẽ tôn giáo ra đời chỉ là những điều an ủi tinh thần suông của thế hệ này, đến thế hệ khác sao? Cho nên, chúng ta tự hỏi: “mục đích của các tôn giáo đến với loài người để làm gì?”. Đến với loài người, để xây dựng nền đạo đức nhân bản – nhân quả, giúp cho con người tự không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh, hay là tôn giáo đến để ru ngủ con người vào một giấc mơ đẹp Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn hay chứng Thiền, chứng đạo hoặc kiến tánh thành Phật, thành Tiên, thành Thánh v.v…

Do những sự tư duy trên đây, bắt buộc chúng ta phải xác định rõ ràng về tôn giáo: Nếu giáo lý của tôn giáo nào chứng nghiệm được như khoa học thì giáo lý ấy là đạo đức nhân bản – nhân quả của loài người;còn giáo lý nào chứng nghiệm khoa học không được thì giáo lý ấy là giáo lý mơ hồ, trừu tượng, giáo lý mê tín, giáo lý ru ngủ con người giống như liều thuốc an thần.

Sau những ngày nghiên cứu các tôn giáo, Chúng tôi chọn Phật Giáo, vì Phật giáo rất gần gũi với khoa học. Chọn xong và đem hết cuộc đời mình, quyết hy sinh làm một cuộc thí nghiệm trên giáo pháp của tôn giáo ấy. Nhờ sự quyết tâm đó, chúng tôi đã loại bỏ ra rất nhiều pháp môn của ngoại đạo đang pha trộn trong giáo pháp của Phật Giáo. Cuối cùng, chúng tôi chứng nghiệm sự giải thoát của đạo Phật rất cụ thể và rõ ràng. Khi sống trong trạng thái giải thoát, chúng tôi không đành lòng nhìn con người dần dần đi xuống hố thẳm khổ đau, mà cứ tưởng mình vượt ra đau khổ bằng khối óc, đôi tay, bằng những kỹ thuật, khoa học, công nghệ hiện đại v.v…Họ tin rằng, khoa học và công nghệ hiện đại sẽ làm ra vật chất đầy dẫy, thì loài người sẽ đầy đủ hạnh phúc an vui, không còn khổ đau nữa. Sự nghĩ tưởng như vậy, họ đã lầm. Nếu con người không có đạo đức, thì đừng lấy vật chất mà giải quyết sự khổ đau của con người được. Vật chất càng nhiều, sự khổ đau của con người càng lớn, do lòng ham muốn vật chất nên tạo ra nhiều ác pháp và thế gian này sẽ là địa ngục. Nếu không có đạo đức, mà vì vật chất thì con người sẽ trở thành ác thú hay là quỷ dữ v.v…Biết mình tu hành chưa đủ uy đức như Phật, chưa đủ tài trí làm công việc lớn này, nhưng không thể làm ngơ trước sự đau khổ của muôn người, trước sự tồn vong của đạo Phật, nhất là nền đạo đức nhân bản – nhân quả.

Một tôn giáo có hàng triệu triệu người theo tu hành, lại tu không đúng chánh pháp. Vì thế, chúng tôi chẳng ngại nói lên sự thật, để xây dựng lại đường lối tu tập của đạo Phật đúng đắn, để làm sáng tỏ lại giáo pháp và nền đạo đức của đức Phật, và để cứu giúp biết bao nhiêu người, đang lầm đường lạc lối, tu sai pháp (tu ức chế tâm).

Nếu trên thế gian này, còn có những bậc chân tu của Phật giáo thì hãy vì tiền đồ của Phật giáo, vì tất cả chúng sanh, vì nhân loại… Hãy cùng với chúng tôi, vui lòng góp sức chỉ những chỗ sai sót, để chúng tôi kịp thời chấn chỉnh cho đúng đường lối tu hành, và đạo đức nhân bản – nhân quả của đạo Phật. Xin chân thành tri ân quý vị.

Kính ghi

Trưởng lão Thích Thông Lạc

(Ngày 06 – 10 – 1997)

 

Back                                                                                           Next

 

 

 

Bài viết cùng chuyên mục:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *