TU NHƯ THẾ NÀO ĐỂ TÂM KHÔNG PHI PHẠM HẠNH

TU NHƯ THẾ NÀO ĐỂ TÂM KHÔNG PHI PHẠM HẠNH

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con xin sám hối về cái tội ăn thêm, đã ăn rồi mà còn ăn thêm nữa. Như vậy con phải tu Định Vô Lậu đặt niệm trước mặt quán xét tư duy như thế nào? Dùng pháp hướng như thế nào? Để quét sạch tội phi Phạm hạnh này?

ĐápMuốn sống đúng Phạm hạnh, không ăn uống phi thời, con nên đặt niệm thực phẩm rồi quán xét sự bất tịnh của thực phẩm.

Quán xét thực phẩm bất tịnh trong lúc đi cầu.

Dùng pháp hướng tâm: “Thực phẩm là một thứ thuốc trị bệnh đói của cơ thể, ta không nên ưa thích”“Thực phẩm là những thứ bất tịnh uế trược, để lâu mùi hôi khó chịu ta nên chừa bỏ tánh ưa thích ham ăn”.

Xét ra, từ cái ăn mà người ta nhận thấy và đánh giá trị được con Người, Thánh Nhân hay loài thú vật.

Một con thú vật, lúc nào gặp món ăn là nó ăn ngay, không phân biệt giờ ăn, giờ nghỉ là tại vì con thú vật không trí tuệ, chỉ biết sống ăn và tranh đấu cho miếng ăn.

Con người thì có trí tuệ, có đạo lý hơn, ăn uống biết chia ra giờ giấc, không ăn uống phi thời, ngược lại con người mà ăn uống lặt vặt phi thời không giờ, không bữa là con người đó còn mang bản chất của loài cầm thú thích ăn, chúng ta là con người phải có trí tuệ, nhất định ăn uống phải có giờ giấc.

Còn bậc Thánh Nhân thì khác, biết rằng ăn uống là sự sống của các loài động vật, nhưng bậc Thánh Nhân không xem ăn uống là một thứ dục lạc, gây sự ưa thích ham mê như người thế gian và loài thú vật, mà khi sống thì phải ăn để sống, cho nên ăn để sống, chứ không phải sống để ăn. Người thế gian và loài thú vật sống để ăn chứ không phải ăn để sống. Vì thế, trong sự ăn uống của họ, chỉ cần ngon và bổ dưỡng nên họ sát hại sanh linh để họ ăn thịt chúng sinh như loài cọp beo, ăn bằng thích, ăn bằng ưa, đó là sống để ăn, nhưng họ không biết đó là họ đã đem sự đau khổ vào thân tâm của họ.

Bậc Thánh Nhân đã hiểu điều này, nên họ ăn để sống, vì thế họ không ăn thịt chúng sanh và ăn ngày một bữa, không ăn uống phi thời, là vì những bậc Thánh muốn thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú sống để ăn uống; để nô lệ cho sự ăn uống.

Người ta không muốn mình làm con người, mà muốn sống như loài cầm thú, chỉ biết có ăn, ăn để ngon, để mập, để béo, nên ăn uống của họ không còn có đạo lý làm người gì cả.

Người ta sống để ăn, cho nên con người trở thành một con thú vật, đó là cách sống để ăn, nên người ta mới giày đạp lên sự sống của nhau, giết nhau. Bằng chứng, về chủ nghĩa cá nhân thì họ cướp giựt, giết người không gớm tay; về tập thể thì nước này đánh chiếm nước kia, lịch sử loài người đã chứng minh điều này, đến ngày nay, không lúc nào thế giới chấm dứt chiến tranh, không nước này đánh nhau thì nước kia đánh nhau, giết nhau bằng những vũ khí tối tân và hiện đại.

Đó là, bản chất của loài cầm thú còn tồn đọng trong loài người. Họ chỉ là một con thú vật sống chỉ biết tranh giành để ăn, chứ không phải sống có đạo lý làm người, làm Thánh.

Bởi, con người là phải khác với con thú vật, vì con người phải sống có đạo lý, có đức hạnh, phải sống không vì ăn uống, không vì vật chất của cải tài sản. Sống, phải biết thương mình thương người, thương mọi sự sống trên hành tinh này, tức là sống không làm khổ mình, khổ người, khổ mọi loài, đó mới chính là con người, còn làm khổ cho nhau là những loài thú vật chỉ biết có ăn là trên hết, chứ không biết đạo lý.

Chúng ta muốn làm Người, muốn làm Thánh chứ không ai muốn làm loài thú vật. Phải không các bạn? Muốn vậy, thì chúng ta ăn để sống, ăn không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh thì phải ăn có giờ bữa, không được ăn uống lặt vặt phi thời và không được ăn thịt chúng sanh. Bởi muốn làm Thánh thì ăn ngày một bữa, như đức Phật ngày xưa và chúng Thánh Tăng.

Cho nên, sự ăn uống trong đạo Phật là sự ăn uống trong thiện pháp để không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh. Vì thế, đức Phật đã dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Do thế, coi chừng trong ăn uống sẽ rơi vào ác pháp, ăn uống theo phàm phu thì sự ăn uống ấy không đúng Thánh Hạnh. Ăn uống lặt vặt, ăn uống phi thời, cơ thể dễ sanh ra nhiều bệnh tật, đó là ác pháp là khổ đau cho mình, khi mình đau khổ, còn làm khổ cho người khác nữa.

Vì thế, ăn uống rất quan trọng cho đời sống của con người. Càng ăn uống đơn giản thì đời sống càng thảnh thơi, an lạc, cơ thể nhẹ nhàng ít bệnh tật, ít tai nạn.

Trong cuộc đời làm người, chúng ta cũng nhận thấy những pháp môn của đức Phật dạy đạo đức về ăn uống rất thực tế và cụ thể để con người sống trong đạo đức về ăn uống:

– Thứ nhất, là không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh.

– Thứ hai, là sống đúng đạo đức làm Người, làm Thánh không còn phàm ăn uống như loài thú vật.

– Thứ ba, là ăn uống đúng Phạm hạnh, không ăn uống phi thời, không ăn uống lặt vặt.

– Thứ tư, là ăn uống trong sự biết tôn kính và quý trọng của mồ hôi nước mắt làm ra bằng sức lao động của mình, của người khác.

– Thứ năm, là ăn uống để sách tấn trên đường tu tập, để được giải thoát sanh tử luân hồi, để được chấm dứt mọi sự khổ đau, chứ không phải ăn uống vì tham ăn, thích ăn v.v..

– Thứ sáu, là ăn uống phải thực hiện lòng từ bi, thương xót tất cả loài chúng sanh và thương xót người làm ra thực phẩm cực nhọc.

Khi chúng ta tu hành theo đạo Phật, mà còn thích ăn uống phi thời, thì đó là, chúng ta chạy theo tâm dục lạc thế gian, còn tâm dục lạc thế gian đó là huân ác pháp vào thân, vì thế chúng ta phải hiểu cho thấu suốt lý của đạo đức làm người, làm Thánh là không nên vì ăn mà làm khổ mình, khổ người. Luôn luôn nhớ đến bốn trọng ân, thì bấy giờ chúng ta sẽ nhiệt tâm dứt khoát, dù có chết nhất định không còn phạm phải lỗi ăn uống phi thời, chừng đó chúng ta mới thấy có sự an vui của người sống đúng Phạm hạnh.

Các con phải cố gắng đừng để vi phạm những lỗi lầm này, những lỗi lầm này sẽ đưa con trở về đời sống loài thú vật. Các con nên nhớ kỹ đừng quên lời Thầy dạy con nhé! Dù cho thân con có tan nát, nhưng đừng phạm phải lỗi ăn uống phi thời. Đó là con đường tiến đạo.

Back                                                                                           Next

Bài viết cùng chuyên mục:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *