ĐẠO PHẬT LÀ MỘT TÔN GIÁO TỰ LỰC
Người muốn đi theo con đường tu hành chân chánh của đạo Phật, thì phải thấu rõ đời sống của con người từ khi sinh ra cho đến khi chết, toàn là một cuộc sống khổ, khổ như thật, khổ vì thân tâm của mình mang đầy ắp phiền não tham, sân, si, khổ vì mọi người sống chung quanh mình tư tưởng không đồng nhau, khổ vì hoàn cảnh trái ngang lúc thuận lúc nghịch, khổ vì cơm ăn áo mặc phải vất vả gian nan. Khi chúng ta thấy đúng, biết đúng khổ như vậy, thì mới dám chọn con đường tu hành của đạo Phật. Nếu không thấy đời sống khổ như thật, còn thấy nó có hạnh phúc, có an lạc, sung sướng thì đừng nên chọn con đường tu hành của đạo Phật.
Tại sao vậy?
Tại vì, con đường tu hành của đạo Phật là con đường đi ngược lại với cuộc sống của đời người. Vả lại, con đường tu hành theo đạo Phật là một con đường phải tự lực dùng sức lực của mình, luôn luôn phải trau dồi thân tâm và rèn luyện tu tập cố sức xả bỏ những tâm niệm đầy tham muốn và các ác pháp đang vây quanh. Khi muốn xả bỏ như vậy, thì chúng ta cần phải gan dạ, lầm lỳ, kiên trì, chịu đựng, kham nhẫn v.v.. Và còn phải đầy đủ nghị lực để mạnh dạn dứt bỏ những thói hư, tật xấu, chứ không phải vào điện Phật cúng bái, cầu khẩn, van xin, nhờ tha lực chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, trợ lực cứu khổ cứu nạn, giải thoát các khổ đau, tai ương, bệnh tật v.v.., hay phóng hào quang tiếp độ những vong hồn người chết về cõi Cực Lạc Tây Phương.
Và cũng không phải tu hành bằng cách tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, ngồi Thiền, luyện bùa, luyện chú để có thần thông, pháp thuật v.v.. hoặc để cầu được sinh về Cực lạc, Niết Bàn bằng những tha lực, oai lực của chư Phật, chư Bồ tát.
Muốn tu theo đạo Phật để thoát cảnh khổ đau của kiếp làm người, thì phải dùng sức tự lực của chính mình, chứ không phải bằng tha lực của người khác, như trong các kinh sách phát triển ngoại đạo dạy.
Đọc kinh sách Nguyên Thủy, chúng ta thấy đức Phật dạy tu hành bằng những pháp môn tự lực, hầu hết không có một bài pháp nào dạy tu tập cầu tha lực. Chỉ có kinh sách phát triển ngoại đạo mới có dạy tu tha lực mà thôi (niệm Phật cầu vãng sanh).
Khi nghe giảng đến đây, có người lại hỏi chúng tôi: Vậy, kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: “Tứ Bất Hoại Tịnh”, không phải pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới sao?
Kính thưa quý Phật tử! Đức Phật dạy niệm Phật là sống như Phật, chứ không phải niệm danh hiệu Phật; niệm Pháp là sống đúng như pháp, tu tập đúng như pháp, chứ không phải tụng kinh; niệm Tăng là sống hòa hợp như chúng Tăng, không chống trái nhau, chứ không phải trai tăng cúng dàng lạy lễ các vị Tăng để cầu phước báu; niệm Giới là sống đúng Phạm hạnh, không hề vi phạm giới luật và không phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, chứ không phải hằng tháng vào ngày 30 và ngày rằm cùng nhau tụng giới. Nghe dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới thì các nhà học giả kiến giải theo chữ nghĩa mà giải thích ra, niệm là đọc lầm thầm trong ý như câu; “Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hay Nam Mô Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”. Niệm như vậy, là niệm không có nghĩa gì cả, không có sự giải thoát gì cả. Ở đây, đức Phật dạy niệm tức là sự tư duy Phật, Pháp, Tăng và Giới để chúng ta thấu triệt Phật, Pháp, Tăng và Giới hàm nghĩa giải thoát như thế nào, để chúng ta noi theo đó mà thực hiện sống và tu tập đúng như Phật, như Pháp, như chúng Thánh Tăng và như Giới luật đã dạy.
Có hiểu biết và tu tập như vậy, thì mới có giải thoát thật sự, còn niệm danh hiệu Phật, tụng kinh, cúng dàng trai tăng và đảnh lễ chư Tăng và tụng Giới, dù có niệm Phật, Pháp, Tăng và Giới như vậy cho đến muôn kiếp ngàn đời thì cũng chẳng có giải thoát được chút nào. Người ta đã lầm, niệm như vậy là để nhất tâm bất loạn tức là niệm không có vọng niệm xen vào, chỉ duy nhất có câu niệm Phật mà thôi, thì sẽ được vãng sanh Tịnh Độ, đó là hiểu theo Tịnh Độ Tông (“Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền...”). Còn hiểu theo Thiền Tông, thì nhất tâm bất loạn tức là chẳng niệm thiện niệm ác, chẳng niệm thiện niệm ác là Thiền định, là Phật tánh. Nhưng tất cả những sự tu tập như vậy, đều sai hết quý vị ạ! Chỗ nhất tâm bất loạn của quý vị, sẽ rơi vào thế giới tưởng của tưởng uẩn, nơi đây là mê hồn trận của tà giáo ngoại đạo. Quý vị tu hành cần nên cảnh giác nơi hang hùm nguy hiểm này. Nếu tu tập đến đây quý vị coi chừng rối loạn thần kinh mà nguy hiểm tánh mạng, biến quý vị trở thành người điên khùng.
Người mới bước chân vào đạo Phật, ngơ ngác trước đống kinh sách khổng lồ của Phật giáo phát triển. Có những loại kinh sách, chúng ta đọc vào thấy toàn sự tu tập đều nhờ tha lực để trợ lực trên bước đường đi đến giải thoát như: kinh Vô Lượng Quang, kinh Di Đà, kinh Quy Ngươn, kinh Pháp Hoa v.v..
Tất cả kinh này đã làm cho người tu sĩ nhụt chí, mất hết nghị lực, biến Phật giáo thành một tôn giáo tha lực, một tôn giáo mê tín khiến cho người đời sau tu hành chỉ còn biết cầu cạnh vào kẻ khác, do những sự tu hành sai này đạo Phật chẳng còn ai tu chứng.
Họ lý luận, người mới tu phải tụng kinh, bái sám, niệm Phật, lạy hồng danh chư Phật, phải cầu tha lực, còn người tu lâu năm phải tự lực ngồi Thiền quán niệm hơi thở. Người tu hành mà hiểu Phật giáo như vậy, tức là chẳng hiểu Phật giáo gì cả. Hiểu như vậy là hiểu theo Phật giáo phát triển.
Người mới tu, như các cư sĩ bước chân vào Đạo, đức Phật đã dạy bài học tu tập tự lực đầu tiên là phải dứt bỏ sáu nghề nghiệp ác đang sanh sống hàng ngày, nghĩa là chúng ta muốn theo đạo Phật tu hành thì phải đổi nghề ác làm nghề thiện.
Qua bài kinh dứt sáu nghề ác, chúng ta thấy rõ sự tự lực của đạo Phật ngay từ lúc ban đầu.
Khi bước chân vào Đạo ta được nghe Người dạy: “Thông hiểu những gì cần phải thông hiểu, dứt bỏ những gì cần phải dứt bỏ, tu tập những gì cần tu tập, trau dồi những gì cần trau dồi”. Những việc làm này không thể cầu tha lực của người khác được.
Đạo Phật là một tôn giáo xây dựng trên nền tảng thiện pháp, mọi ác pháp đều phải được loại trừ dứt bỏ, nhờ có loại trừ ác pháp, tăng trưởng thiện pháp, cuộc sống mới có sự giải thoát an vui, hạnh phúc cho mình, cho người.
Loại trừ ác pháp, chỉ có tự lực, không thể có tha lực, những điều làm ác phải tự mình dứt bỏ chứ không thể cầu cạnh người khác giúp mình được.
Ví như mình đi ăn cắp, ăn trộm, nhờ người khác giúp mình đừng ăn cắp, ăn trộm có được không? Không thể được, phải tự mình biết đó là một việc làm ác, khiến người ta sầu khổ thì mình nên dứt bỏ, cũng như sáu nghề nghiệp ác, không thể cầu chư Phật giúp mình dứt các nghề nghiệp ác đó được. Chính phải tự mình tự lực dứt bỏ, không hành nghề ác đó nữa.
Nhờ thế, chúng ta mới biết rõ đạo Phật là đạo tự lực. Kinh sách tha lực không phải kinh sách đạo Phật.
Đạo Phật nhìn cuộc đời với đôi mắt nhân quả, nhân quả chỉ có tự lực mới dứt bỏ được mà thôi, dù cho có một đấng vạn năng cũng không giúp chúng ta vào việc này được.
Vì thế, đạo Phật là một tôn giáo mà phi tôn giáo; một tôn giáo không có đấng thiêng liêng vạn năng cứu khổ, một tôn giáo bằng sức tự lực của con người cứu mình ra mọi cảnh khổ, nên đạo Phật còn gọi là “Đạo Độc Cư, Độc Bộ, Độc Hành”.
Đạo Phật còn gọi là nền đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình,khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh.
Back Next