HƠI THỞ NGƯNG, CÁC HÀNH TRONG THÂN CÓ NGƯNG KHÔNG

HƠI THỞ NGƯNG, CÁC HÀNH TRONG THÂN CÓ NGƯNG KHÔNG

HỏiKính thưa Thầy, khi hơi thở ngưng các hành ngưng theo liền hay là phải đợi một thời gian lâu các hành mới ngừng?

ĐápCác hành nội thân ngưng thì hơi thở ngưng, nhưng ở đây phải hiểu, hơi thở nhẹ và mất dần cho đến khi không thấy hơi thở nữa gọi là tịnh chỉ hơi thở, do đó các hành trong thân còn hoạt động nhẹ nhàng chưa dứt hẳn, nhất là ý căn, ý căn tức là bộ não của chúng ta.

Hơi thở tịnh chỉ tức là thân hành tịnh chỉ, thân hành tịnh chỉ tức là nhập Tứ Thiền. Nhập Tứ Thiền cơ thể chưa ngưng hoạt động hoàn toàn, chỉ có nhập Diệt Thọ Tưởng Định hay là Diệt Tận Định thì cơ thể hoàn toàn mới ngưng hoạt động chỉ còn lại từ trường của Diệt Tận Định để bảo vệ thân không bị hoại diệt.

Ở đây, giai đoạn tu hành của con chưa đến tịnh chỉ hơi thở, con hỏi về hơi thở ngưng để tìm hiểu chứ kỳ thực không thể tu hành được. Khi tâm chưa xả ly ngũ triền cái và thất kiết sử mà tu tịnh chỉ hơi thở là tự giết mình, bằng chứng con không thấy Minh Tông sao? Tu hành không xả tâm, chỉ ức chế tâm để rồi tịnh chỉ hơi thở, do đó đứt mao phế quản, khạc ra máu gây tổn thương cho phổi.

Tu hành Minh Tông bỏ vợ con không được, thường gặp vợ con và bạn bè để nói chuyện đó là ái kiết sử làm sao đoạn diệt được. Không đoạn dứt ái kiết sử mà muốn tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền, là điên đảo tưởng, điên đảo tâm mà tâm điên đảo thì làm sao tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền được.

Khi tịnh chỉ hơi thở không được thì Minh Tông nói với mọi Phật tử: “Đức Phật không có dạy tịnh chỉ hơi thở, chỉ có Thầy bịa ra mà thôi”. Khi biết được tâm niệm của Minh Tông như vậy, Thầy trao cho bộ Kinh Nguyên Thủy để đọc và nghiên cứu để thấy lời Phật dạy rõ ràng như thế này:

“Có ba hành:

1- Khẩu hành

2- Thân hành

3- Ý hành

Tịnh chỉ khẩu hành nhập Nhị Thiền; tịnh chỉ thân hành nhập Tứ Thiền; tịnh chỉ Ý hành là nhập Diệt Tận Định.

 Khẩu hành là tầm tứ,

– Thân hành là hơi thở,

– Ý hành là tưởng và thọ”.

Đó là kinh sách Nguyên Thủy, Phật dạy rất rõ ràng như vậy, khi nào có dịp nhắc đến Tứ Thiền, Thầy sẽ trích những bài kinh đó ra để Phật tử nghiên cứu và đặt trọn niềm tin hơn.

Xưa Tổ Khương Tăng Hội đã có nghiên cứu đến Tứ Thiền, Tổ thấy Phật dạy tịnh chỉ hơi thở, Tổ cũng nghĩ như Minh Tông hơi thở không thể tịnh chỉ được, nên Tổ tưởng ra hơi thở tịnh chỉ là ngưng sổ tức, còn Minh Tông không tưởng ra được như vậy và nghiên cứu Kinh sách Phật không kỹ nên cho rằng Thầy bịa ra.

Một vị đã nhận ra lời Phật dạy thì tưởng ra ngưng đếm hơi thở là nhập Tứ Thiền.

Còn một vị không nhận ra lời Phật dạy cho Thầy bịa đặt ra “Tịnh chỉ hơi thở”.

Đây là một bài kệ đức Phật dạy về Thiền Thứ Tư tịnh chỉ hơi thở:

“Không thở ra thở vào

Tâm trú vào chánh định

Không tham ái tịch tịnh

Với tâm an bất động

Như đèn sáng chợt tắt

Tâm giải thoát Niết Bàn”

Khi người ta tu không được, tịnh chỉ hơi thở không xong, thì họ lại bảo Thầy đặt ra pháp tịnh chỉ hơi thở, nhưng không ngờ Thiền Thứ Tư tịnh chỉ hơi thở thật và đức Phật đã dạy rõ ràng.

Ở đây, để xác định lại Thiền Thứ Tư, trong Kinh Nguyên Thủy có nhiều bài Kinh nói về tịnh chỉ hơi thở mà đức Phật đã dạy chứ không phải Thầy bịa ra như các Tổ hệ phái phát triển đã bịa ra nhiều pháp làm sai lệch ý Kinh và ý Phật.

Cho nên, những gì Thầy dạy là của Phật dạy, người ta bác Thầy tức là người ta bác Phật Thích Ca, đó là trường hợp của Minh Tông.

Có một nhà học giả bảo rằng bốn Thiền của Phật là Thiền của ngoại đạo, tu không giải thoát, đó là lời nói bài bác giáo pháp của đức Phật Thích Ca.

Lời nói của Minh Tông và các vị học giả xưa và nay đã vô minh tu hành chưa đến đâu vội xác nhận một cách sai lệch làm cho người sau mờ mịt đối với Bốn loại Thánh Định của đạo Phật.

Thiền định ngưng hơi thở đâu phải là Thiền dành cho những kẻ phàm phu, tâm còn đầy dẫy uế trược, bất tịnh, tham ưu v.v..

Thiền định ngưng hơi thở là Thiền định dành cho những bậc giới đức thanh tịnh, tâm hoàn toàn ly dục ly ác pháp, thì mới tịnh chỉ hơi thở.

Một loại Thiền định dành cho những bậc Thánh, không thể dành cho những bậc phàm phu còn ăn uống phi thời, còn phạm giới, bẻ vụn giới, còn có chùa to tháp lớn, sống trong cảnh giàu sang như cung vàng điện ngọc thì làm sao nhập được những loại định này.

Một loại Thiền không thể dành cho những người còn ái kiết sử trói buộc, ngồi trong thất tu mà nhớ vợ, nhớ con, nhớ tiền tài vật chất, nhớ xe hơi nhà lầu v.v.. thì làm sao nhập được loại Thiền này.

Trong tu viện có một vị cư sĩ muốn nhập loại Thiền này mà vợ con không bỏ, nên cố nín thở để tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền khiến cho phổi bị tổn thương sanh ra bệnh, đây là một kinh nghiệm rất lớn để cảnh giác cho những ai muốn tu về Tứ Thánh Định.

Chúng tôi cũng được nghe ở Qui Nhơn có một bác sĩ nghe tịnh chỉ hơi thở, ông ta không biết tu tập như thế nào mà đã chết luôn. Đây là những điều cảnh giác cho người ham tu mà tự tu là rất nguy hiểm, tu là phải có người hướng dẫn, Minh Tông không nghe lời dạy của Thầy, không chịu sống độc cư và không xa lìa bạn bè vợ con để xả tâm, bảo rằng Phật không có dạy độc cư nên còn xin Thầy cho phép tiếp bạn bè và vợ con nếu họ đến thăm. Và còn hứa hẹn với Thầy là sẽ thực hiện tu hành chứng đạo có thần thông cho Thầy xem.

Thầy chỉ cười và bảo: “Nếu được vậy, Thầy sẽ tuyên bố với Phật tử là con đã tìm được một con đường khác hơn con đường của Thầy và đã chứng đạo”. Sau đó, không đầy một tháng Minh Tông đã khạc ra máu đống, đống… và đi trị bệnh. Tu là phải nhờ thiện hữu đi trước hướng dẫn chứ đừng tự mình tu là chết, đó là những hình ảnh cảnh giác cho chúng ta sau này. Minh Tông trình độ học thức trên đại học, nên cho mình là người có học, thông minh, hiểu biết, tự đọc kinh sách mà tu, cãi lời Thầy mới ra nông nỗi như vậy. Bởi vậy, những kiến giải của những nhà học giả là một sự nguy hiểm cho người thực hành tu tập.

Vì thế, mới biết loại Thiền này là loại Thánh Định như đức Phật đã gọi “Tứ Thánh Định”.

Tâm còn phàm phu mà muốn nhập Thánh Định thì nhập làm sao được?

Tam Minh là Thánh Tuệ của đức Phật thì người phàm phu làm sao mà có Thánh Tuệ đó được. Cho nên, nói đến bốn Thiền và Tam Minh thì hiện giờ chưa có ai thực hiện được.

Tại sao vậy?

Tại vì, mọi người tâm còn phàm phu. Trước khi muốn nhập bốn Thiền và Tam Minh thì phải tu tập tâm Thánh, tức là tâm phải ly dục ly ác pháp, còn nếu chưa ly dục ly ác pháp thì đừng mong nhập bốn Thiền và Tam Minh.

Bởi, ngưng hơi thở là các hành trong thân lần lượt sẽ ngưng nghỉ, ngưng nghỉ mà thân không hoại diệt như vậy mới gọi là Thiền Định Thánh. Các hành trong thân ngưng nghỉ mà thân hoại diệt thì không phải nhập định mà là một thân người chết.

Chừng nào, các con đã xả tâm ly dục ly ác pháp, tâm thanh tịnh hoàn toàn, nghĩa là tâm không phóng dật, tâm thường quay vào định trên thân lúc bấy giờ Thầy sẽ chỉ cho các con tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền. Còn bây giờ, các con nên cố gắng phải xả ly tâm “như cục đất”. Đừng hỏi lung tung về hơi thở mà mất thì giờ vô ích.

Bài viết cùng chuyên mục:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *