MỤC ĐÍCH CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC LÀ GÌ
Hỏi: Kính bạch Thầy! Tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác theo hành động làm việc liên tục từ sáng đến chiều chỉ biết hành động “làm việc tôi biết tôi đang làm việc” không có nghĩ ngợi gì khác hơn, tức là không có tạp niệm xen vào, như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp:Tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác như vậy là một sức tỉnh thức kinh hồn, đủ để xả tâm và nhập các định khác một cách dễ dàng.
Chánh Niệm Tỉnh Giác Định tức là tu tập trong Thân Hành Niệm. Nhờ có tu tập Thân Hành Niệm ta mới có tỉnh giác chánh niệm, có tỉnh giác mới ở trong chánh niệm, có chánh niệm thì tâm mới không làm khổ mình, khổ người, mới có lợi lớn, an ổn lớn khỏi các khổ ách, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.
Mục đích chánh niệm tỉnh giác là gồm tất cả các thiện pháp và trí tuệ Tam Minh. Phật dạy: “Này các Thầy Tỳ Kheo, ai tu tập làm cho sung mãn Thân Hành Niệm, cũng bao gồm tất cả thiện pháp gồm những pháp thuộc về Minh phần”. (Tăng Chi Bộ Kinh Tập 1, trang 88).
Chúng tôi xin xác định cho quý vị được rõ, vì ở trên chỉ nói lướt qua “Chánh niệm Tỉnh Giác và Thân Hành Niệm” còn ởđây là hai danh từ để chỉ cho một hành động tu tập Thân Hành Niệm. Tu tập Thân Hành Niệm là chỉ cho sự tỉnh giác trong hành động của thân phải biết hành động đó rõ ràng cụ thể không được bỏ sót một hành động nào của thân, còn Chánh Niệm Tỉnh Giác thì cũng nghĩa như vậy nhưng nó có từ Chánh Niệm để chỉ rõ hơn, chúng ta thử đặt lại vấn đề, tỉnh giác để làm gì? Để Chánh Niệm, còn Thân Hành Niệm tức là tỉnh giác, vậy tỉnh giác để làm gì? Tỉnh giác để xả tâm tức là khắc phục tham ưu như trong Tứ Niệm Xứ đức Phật đã dạy: “Trên thân quán thân tu về hành tướng nội ngoại để khắc phục tham ưu”. Hành tướng nội ngoại của thân không phải là Thân Hành Niệm sao? Còn khắc phục tham ưu không phải là Chánh Niệm sao? Cho nên, Thân Hành Niệm tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác.
Ở đây đức Phật đã xác định Chánh Niệm Tỉnh Giác có nhiều kết quả rất lớn cho sự tu tập để đi đến giải thoát: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, thân được khinh an, tâm được khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp thuộc về minh phần đi đến tu tập, làm cho viên mãn. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập 1, trang 89).
Như trong đoạn Kinh này, mục đích chánh Niệm Tỉnh Giác giúp chúng ta tịnh chỉ tầm tứ, tức là nhập Nhị Thiền.
Chánh Niệm Tỉnh Giác còn đưa chúng ta đến chứng bốn quả Thánh: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng ngộ quả Dự Lưu, đưa đến sự chứng ngộ quả Nhất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả Bất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả A La Hán. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 90).
Chánh Niệm Tỉnh Giác còn đưa chúng ta đạt đến những trí tuệ vô hạn và siêu việt: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng đắc trí tuệ, đưa đến sự tăng trưởng trí tuệ, đưa đến trí tuệ rộng rãi, đưa đến quảng đại trí tuệ, đưa đến thâm sâu trí tuệ, đưa đến vô song trí tuệ, đưa đến vô hạn trí tuệ, đưa đến nhiều trí tuệ, đưa đến trí tuệ nhanh lẹ, đưa đến trí tuệ nhẹ nhàng, đưa đến trí tuệ hoan hỷ, đưa đến trí tuệ tốc hành, đưa đến trí tuệ sắc sảo, đưa đến trí tuệ thể nhập. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 91).
Khi con tu tập tỉnh giác trong hành động suốt ngày đêm như vậy, là con sẽ chứng quả A La Hán, tức là làm chủ sanh, già, bịnh, chết hoàn toàn. Vì sức tỉnh thức khiến tâm con thanh tịnh, không còn một pháp nào làm động tâm con được. Và nội lực thanh tịnh của tâm con tức là lực ly dục ly ác pháp sẽ giúp con thành tựu Thiền định và Tam Minh một cách dễ dàng không mấy khó khăn. Lúc bấy giờ, con chỉ cần hướng tâm là có hiệu quả ngay, con muốn gì được nấy, vì tâm con hiện giờ thuần thục, nhu nhuyễn dễ sử dụng.
Sức tỉnh giác như con đã nói ở trên, là mục đích của đạo Phật, con đã hoàn tất được mục đích đó khi sức tỉnh thức của con được như vậy.
Trên đây, con đã hỏi về pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác và con được giảng dạy như vậy con có hiểu chưa? Con có biết những câu hỏi mà con hỏi có một giá trị vô giá không? Vô giá là ở chỗ học được pháp vô giá của đạo Phật, thế mà mọi người đọc tới đây, có người vẫn xem thường pháp vô giá. Ôi, thật đáng thương! Nếu từ ngày Thầy giảng trạch pháp này, mà mọi người biết nó là vô giá thì bây giờ biết bao nhiêu người đã chứng quả vô lậu A La Hán. Con có nhớ không, bài giảng này khởi sự giảng dạy các con vào năm 1979 đến nay là 2004 tức là 25 năm. Phải không con? Bây giờ, nhuận lại đoạn kinh này, nhìn lại sự tu hành của các con, thì Thầy rất đau lòng vì pháp bảo cứu người biển khổ mà mọi người không đủ phước để thọ hưởng, vì thế pháp bảo 25 năm nay, trở thành một vật vô dụng. Ôi, thật là phí uổng. Vật vô giá, mà trao cho người không có mắt, thì cũng như trao đất cát đồ vô dụng cho họ